Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập. Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thổ Bình đã chủ động chuyển đổi sang hoạt động theo; Luật Hợp tác xã năm 2012, từ đó đã từng bước củng cố và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên, bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Các thành viên HTX - NLN Thổ Bình phân loại sản phẩm lạc củ
Ông Ma Ngọc Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thổ Bình, (Lâm Bình) cho biết: Hợp tác xã nông lâm nghiệp (HTX - NLN) Thổ Bình được thành lập từ năm 1978, đến năm 2014 Hợp tác xã chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, bước đầu đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi. Nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, Hợp tác xã đã từng bước củng cố, mở rộng sản xuất kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu sản xuất, xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể, liên kết với các hộ dân, doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, hoạt động của Hợp tác xã đã đi vào hoạt động ổn định và phát triển. Hợp tác xã hiện có 17 thành viên tham gia, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là: Kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp; kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, sơ chế biến nông sản, chăn nuôi gia súc, dịch vụ công ích; quản lý khai thác công trình nước sạch, chợ nông thôn.
Các sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 3 sao
Ông Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình, (Lâm Bình) cho biết: Những năm trở lại đây cây lạc ở Thổ Bình phát triển mạnh, đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên được bà con nông dân chú trọng phát triển. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, nên người dân thường bị động trong các dịch vụ liên quan đến giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu ra cho sản phẩm sau khi thu hoạch. Trước những khó khăn đó, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thổ Bình đã chủ động liên kết với bà con nông dân để tổ chức sản xuất, theo đó Hợp tác xã đã cung ứng giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân; đồng thời chủ động ký kết hợp đồng với Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ lạc giống Tân Yên, thị trấn Tân Yên, tỉnh Bắc Giang để tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Đến nay, đã hình thành vùng liên kết sản xuất lạc thương phẩm trên địa bàn xã với diện tích trên 250 ha, sản lượng hàng năm trên 1.300 tấn, doanh thu từ cây lạc hằng năm đạt trên 800 triệu đồng/năm. Để nâng cao giá trị từ cây lạc, Hợp tác xã còn đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị bảo quản, sơ chế lạc và ép tinh dầu lạc. Đến nay, tinh Dầu lạc Thổ Bình đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh Chương trình OCOP năm 2021, xét và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp, đạt sản phẩm cấp tỉnh hạng 4 sao, còn sản phẩm lạc củ, lạc nhân và dê núi được xếp hạng OCOP3 sao.
Quầy bán vật tư nông lâm nghiệp của HTX
Ông Ma Công Tô, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình, (Lâm Bình) chia sẻ: Được quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thổ Bình đã được xây dựng nhà làm việc và nhà khó đã tạo thuận lợi cho Hợp tác xã kinh doanh phát triển, các dịch vụ về kinh doanh vật tư nông nghiệp, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cho nhân dân trên địa bàn. Từ việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã đã góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho các thành viên. Năm 2021 doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 2,8 tỷ động, bình quân thu nhập của 7 lao động thường xuyên của Hợp tác xã đạt trên 5 triệu đồng/ tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động theo thơi vụ khác.
HTX bao tiêu sản phẩm cho bà con
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thổ Bình còn nhỏ lẻ, manh mún, mức độ áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật còn thấp thì đổi mới hoạt động của Hợp tác xã nông lâm nghiệp sẽ góp phần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh khai thác được tiềm năng, lợi thể của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường, đồng thời liên kết chặt chẽ với người nông dân và doanh nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân